Di sản Saddam_Hussein

Chìa khoá để nắm giữ quyền lực lâu dài của Saddam Hussein là thiết lập một mối quan hệ chưa từng có ở Trung Đông giữa một hệ thống cũ và mang tính truyền thống giữa các bộ tộc với một cơ cấu quân sự an ninh của một nhà nước hiện đại. Sự độc đáo ở chỗ gắn thực tiễn xa xưa này vào một đất nước có tham vọng quân sự lớn nhất thế giới Arab. Kết quả là một chế độ lai tạp: không độc tài quân sự cũng không cộng hoà thế tục, và cũng không phải chế độ thần quyền. Sự lai tạp này đảm bảo việc duy trì trật tự an ninh tại Iraq trong suốt thời kỳ Saddam nắm quyền.

Số phận của Iraq cũng giống như vài năm trước đó ở Nam Tư (Slobodan Milošević), và vài năm sau đó ở Libya (Muammar al-Gaddafi): lãnh đạo của các nước này bị phương Tây gán cho là "độc tài, phạm tội ác chống nhân loại", rồi sau đó phương Tây đem quân tấn công lật đổ họ, lật đổ xong thì các chính khách phương Tây sẽ hứa hẹn với người dân nước đó về "tự do, dân chủ, nhân quyền", nhưng rồi sau đó là những ngày tháng hỗn loạn và cuối cùng là cả đất nước sẽ tan vỡ ra thành nhiều mảnh (Nam Tư đã tan vỡ thành 6 mảnh, Libya thì đang tan vỡ thành 4 mảnh mà vẫn chưa dừng lại).

Tổng thống Mỹ George Bush ca ngợi việc hành hình ông Saddam là "một cột mốc quan trọng trong tiến trình đi đến dân chủ ở Iraq", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ là Joseph Biden, phát biểu: "Iraq đã khép lại một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử và thoát khỏi chế độ bạo chúa". Toàn quyền Paul Bremer, người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp tại Iraq thời hậu Saddam trong 13 tháng, trước khi rời Iraq còn hào hứng tuyên bố: “Nhìn lại chúng ta thấy rằng Mỹ đã làm được rất nhiều điều cho đất nước Iraq. Thực sự, chúng ta đang giúp cho Iraq trở thành một quốc gia dân chủ”[14]. Thực tế trong 15 năm sau đã chứng minh những gì mà các chính khách Mỹ hứa hẹn là hoàn toàn sai: Iraq chẳng hề có dân chủ, mà chỉ có chiến tranh và tàn phá.

Hoa Kỳ tuyên bố Saddam Hussein "sở hữu vũ khí giết người hàng loạt" để phát động cuộc chiến, dư luận biết ngay đó là cái cớ được ngụy tạo, song Tổng thống Mỹ George Bush vẫn cho rằng ông ta sẽ đánh lừa được dư luận. Và Hoa Kỳ đã ảo tưởng khi tin rằng có thể dựng nên chính quyền mới tại Iraq có thể nằm trong sự quản lý và điều khiển theo ý muốn của họ. Người dân Iraq đã phải trả cái giá quá đắt cho các toan tính sai lầm của chính quyền Mỹ[14]

Đất nước Iraq năm 2016 đã bị chia làm 3 mảnh, chưa kể hàng chục bộ tộc cát cứ tại các địa phương

Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq hoàn toàn thiếu vắng một nhà lãnh đạo cứng rắn và biết đoàn kết các bộ tộc, chính phủ thân Mỹ thì tham nhũng trong khi lính Mỹ hiện diện khắp nơi khiến người dân nước này rất căm phẫn. Chính phủ mới rập khuôn phương Tây theo mô hình phân chia quyền lực, quyền lợi chủ yếu dựa trên lợi ích đảng phái, nó dẫn tới việc chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại, bởi sự bất đồng về lợi ích đảng phái - sắc tộc - tôn giáo luôn tồn tại và không thể hóa giải. Các mâu thuẫn ngày càng tích tụ và âm mưu ly khai của các nhóm sắc tộc ở Iraq nhanh chóng bùng phát. Các phe phái địa phương ở Iraq nổi loạn khắp nơi. Đất nước Iraq chìm trong hỗn loạn và chiến tranh suốt từ nằm 2003 tới nay.

Năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Iraq, để lại "một vũng lầy" đúng như những gì Saddam Hussein đã dự đoán. Dưới thời Saddam Hussein, ở Iraq hoàn toàn không có khủng bố quốc tế, còn sau khi ông chết, đất nước Iraq đã trở thành "Đại học Harvard của chủ nghĩa khủng bố". Mỹ tấn công Iraq với tuyên bố "tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố", nhưng rốt cục họ đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho khủng bố quốc tế xây dựng lực lượng. Đến năm 2014, đất nước Iraq trên thực tế đã không còn là một quốc gia thống nhất mà đã bị xé nát thành nhiều mảnh bởi nhiều phe phái như chính phủ Iraq thân Mỹ, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, quân người Kurd...

Những giai đoạn ổn định kéo dài ở trong nước thời Saddam hoàn toàn trái ngược với tình trạng bạo lực đẫm máu lan tràn khắp nước Iraq kể từ khi Saddam bị lật đổ. Ông Saddam cũng được một số người Arab ngưỡng mộ vì cuộc chiến 1980-1988 với Iran, việc ông đối đầu với Mỹ, tấn công Israel.

Khi Saddam Hussein bị bắt và bị treo cổ, nhiều kẻ thù của Saddam đã nổ súng chào mừng. Cuộc trấn áp người Kurd ở phía bắc, cuộc tấn công Iran, những nhóm đối lập với ông này... khiến Saddam có nhiều kẻ thù và họ đều mong ông bị giết. Tuy nhiên, sự hỗn loạn kể từ sau cuộc chiến Iraq, những xung đột sắc tộc kéo dài đã khiến người Iraq xem xét lại quan điểm của họ về cái gọi là "sự tàn nhẫn" nhưng giúp duy trì một xã hội ổn định suốt 35 năm nắm quyền của Saddam. Hiện nay, ngày càng nhiều người Iraq tỏ ý tiếc nuối về sự ra đi của Saddam và nhìn lại kỷ nguyên của ông này với sự luyến tiếc. Ngày càng nhiều người Iraq tới thăm mộ ông để tỏ lòng kính trọng ông, nhiều người đã coi ông là một chiến sĩ "Tử vì đạo"[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Saddam_Hussein http://www.huffingtonpost.com/2009/10/27/saddam-hu... http://ca.reuters.com/article/topNews/idCATRE5AS26... http://www.army.mil/professionalWriting/volumes/vo... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nhung-phut-c... http://www.alternet.org/world/35-countries-where-u... http://web.archive.org/web/20030401083138/http://w... http://www.commondreams.org/headlines02/0908-08.ht... http://www.dikkat.org/dikkat.asp?islem=yolla&id=54... http://www.southgatearc.org/news/december2009/sadd... http://nguoivietinfo.ru/the-gioi-do-day/nhung-giay...